Công nghệ trong chiến tranh

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2022

Nga tấn công Ukraine vài ngày trước. Mặc dù cuộc chiến ở xa chỗ mình ở, mình vẫn cảm thấy buồn mỗi khi nghĩ đến nó. Nhưng gần đây mình lại nghĩ về việc chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam lần nữa. Chuyện này đã xảy ra quá nhiều lần trong lịch sử. Thậm chí vài năm trước thôi, chuyện Trung Quốc có thể tấn công Việt Nam còn được bàn tán xôn xao. Và mình nghĩ nhiều về vai trò của công nghệ trong những cuộc chiến như vậy trong tương lai.

Một lý do lớn mà lần này rất rất nhiều nước chống lại Nga, thậm chí cả một nước trung lập như Thụy Sĩ, đó là có rất rất nhiều thông tin về cuộc chiến này được lan truyền trên mạng. Những hình ảnh và video tại chính vùng chiến sự, được quay trực tiếp bởi những người dân thường. Người dân Ukraine cho thế giới thấy chuyện gì đang xảy ra, có khi theo thời gian thực. Và những người xác phản ứng và tiếp tục lan truyền những thông tin đó. Càng nhiều người làm vậy càng tạo áp lực lên các chính phủ và công ty để họ phải hành động gì đó.

Mình hy vọng cuộc chiến lần này sẽ cho các nhà lãnh đạo thế giới thấy được thế giới đang trở nên ngày càng kết nối ra sao, rằng người dân sẽ càng ngày càng có tiếng nói và càng dễ để tiếng nói của họ được lắng nghe, rằng tiếng nói của những người dân thường có thể thay đổi cục diện cuộc chiến ra sao. Và mình hy vọng Trung Quốc sẽ thực sự chú ý đến điều này khi có ý định tấn công Việt Nam.

Việc này cũng cho thấy mạng xã hội có thể mang tiếng nói của người dân đến nhiều nơi và tạo ra sức mạnh từ đó. Mình vẫn tin mạng xã hội mang lại lợi ích nhiều hơn tác hại, thế nên mình vẫn làm cho Meta (Facebook) đấy chứ. Mà lần này không thấy ai chỉ trích Facebook hay Twitter nữa nhỉ.